Chỉ số GGT tăng giảm thất thường có sao không?
1/28/2024 1:59:09 PM
minhtung170 ...

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em xét nghiệm men gan thấy chỉ số GGT lúc tăng lúc hạ nhưng đều cao hơn bình thường trong 8 tháng nay. Lúc cao nhất là 163, mấy chỉ số khác có tăng nhưng có mấy đơn vị. Bác sĩ khám nói mức tăng vậy thì không sao và cho thuốc hạ men gan. Nhưng lúc nào em kiểm tra thấy cũng vượt mức bình thường. Em ăn uống, đi ngoài đều bình thường. Vậy bác sĩ cho em hỏi chỉ số GGT tăng giảm thất thường có sao không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Chỉ số GGT tăng giảm thất thường có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

GGT (Gamma Glutamyl transferase) là một xét nghiệm chức năng gan quan trọng cùng với SGPT và SGOT.

Chỉ số GGT bình thường nằm trong khoảng dưới 60 UI/L. Ở nữ giới chỉ số này là 11 – 50 UI/L, ở nam giới chỉ số GGT rơi vào khoảng 7- 32 UI/L. Có 3 mức độ chỉ sự tăng của chỉ số GGT:

  • Mức độ nhẹ: Tăng cao trong 1-2 lần.
  • Mức độ trung bình: Tăng cao trong 2 - 5 lần.
  • Mức độ nặng: tăng cao trên 5 lần.
  • Mức GGT đôi khi tăng lên khi người bệnh uống rượu. Mức độ cao hơn ở những người nghiện rượu nặng mãn tính so với những người tiêu thụ ít hơn 2 đến 3 ly mỗi ngày. Xét nghiệm GGT còn được sử dụng để đánh giá một người đang lạm dụng rượu cấp tính hoặc mãn tính.

    Biết được những trường hợp khiến chỉ số GGT cao sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ tổn thương gan. Điều này đặc biệt quan trọng với những người đang mắc bệnh men gan cao. Các trường hợp có thể làm GGT máu tăng cao bao gồm:

  • Vàng da tắc mật.
  • Viêm gan cấp hoặc sốc gan.
  • Ung thư gan hoặc u gan.
  • Xơ gan, chết mô gan.
  • Sử dụng thuốc gây độc cho gan: Phenytoin, Phenobarbital.
  • Dùng bia rượu nồng độ cao trong thời gian dài.
  • Chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, khiến gan yếu đi.
  • Bệnh đái tháo đường, bệnh phổi.
  • Bệnh lý tuyến tụy.
  • Thiếu lưu lượng máu đến gan.
  • Người ta cũng thấy các loại men gan AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT tăng trong các trường hợp bệnh sốt rét, bệnh về đường mật, ứ sắt, viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non, và một số bệnh lý khác.
  • Trước khi xét nghiệm GGT, bệnh nhân cần nhớ không được sử dụng các loại thuốc (Phenytoin, Phenobarbital,...) trong vòng 24 giờ bởi việc này có khả năng sẽ làm tăng nồng độ GGT trong máu, dẫn đến kết quả xét nghiệm không được chính xác. Cũng tương tự như vậy, bệnh nhân không được dùng rượu, bia, thuốc lá hay chất kích thích dù chỉ là một lượng nhỏ, bởi sẽ gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới kết quả.

    Nếu bạn còn thắc mắc về chỉ số GGT tăng giảm thất thường, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

    Trân trọng!

    Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

    XEM THÊM:
  • Kết quả xét nghiệm AST 27,4; ALT 27,4 VÀ GGT 20,7 có thể mắc bệnh gì?
  • Nang gan có nguy hiểm? Những điều cần lưu ý
  • Tại sao những người thường uống rượu bia cần làm tầm soát ung thư gan?
  • 3.9K

    Dịch vụ từ Vinmec Thông tin Bác sĩ Chủ đề: Vàng da QnA GGT cao xét nghiệm gan Chỉ số GGT Gan mật